Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi các nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổng hợp, chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp,… Các cơ quan, tổ chức và các nhân tham giá ý kiến căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu vào những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.
Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở Trương ương; các cơ quan nhà nước ở địa phương; Mặt trận tổ quốc Việt nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu; các cơ quan thông tấn báo chí.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ngày 02/01/2013 đến ngày 31/3/2013. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kỳ họp HĐND chuyên đề để tham gia thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương khẩn trương, nghiêm túc và tích cực triển khai, phổ biến sâu rộng đến tất cả các đối tượng, nhằm đảm bảo cho việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đạt chất lượng, hiệu quả, tiến độ theo kế hoạch.
Để việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, quá trình này phải được tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo.
Lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp và thực chất của tất cả các tầng lớp nhân dân. Thay mặt Quốc hội, đồng chí kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Minh Đương